You are on page 1of 5

TĂNG ÁP PHỔI

Translation by Tâm Danh Phan - Osmosis English Class

Tăng áp phổi đề cập đến việc tăng huyết áp trong tuần hoàn phổi, cụ thể
hơn là áp lực động mạch phổi trung bình lớn hơn 25 mmHg. Tuần hoàn phổi
bắt đầu tại tâm thất phải. Từ đó, máu được bơm lên thân chung động mạch
phổi, tách ra để tạo thành hai động mạch phổi, mỗi động mạch cho mỗi bên
phổi.

Các động mạch phổi chia thành các động mạch nhỏ hơn được gọi là tiểu
động mạch phổi, và sau đó cuối cùng thành các mao mạch phổi, bao quanh
các phế nang, là hàng triệu túi khí nhỏ, nơi diễn ra quá trình trao đổi khí. Tại
đó, oxy đi vào máu và khí cacbonic đi vào phế nang.

Các mao mạch phổi đổ vào các tĩnh mạch nhỏ nối với nhau tạo thành hai
tĩnh mạch phổi, đi ra khỏi mỗi bên phổi.

Và những tĩnh mạch phổi này hoàn thành vòng tuần hoàn bằng cách vận
chuyển máu giàu oxy vào tâm nhĩ trái. Huyết áp trong tuần hoàn phổi bình
thường thấp hơn nhiều so với huyết áp hệ thống. Áp lực động mạch phổi
bình thường là khoảng 25/10 mmHg, với huyết áp động mạch trung bình là
15 mmHg.
Tăng áp phổi thường tiến triển do bệnh tim trái. Ở đây, các mạch máu phổi
vẫn bình thường và không bị tổn thương, nhưng thất trái của tim không thể
bơm máu hiệu quả. Ví dụ, vì suy tim hoặc rối loạn chức năng van tim. Điều
này gây ra ứ máu ngược vào trong các tĩnh mạch phổi và giường mao mạch,
có thể làm tăng áp lực trong động mạch phổi.

Một nguyên nhân khác của tăng áp phổi là bệnh phổi mạn tính, thường gây
ra tình trạng co mạch do thiếu oxy, đó là khi một số vùng phổi bị bệnh và
không thể cung cấp oxy cho máu. Để giúp thích nghi với điều này, động
mạch phổi ở vùng đó bắt đầu co lại, và điều này có hiệu quả đưa máu ra
khỏi các khu vực bị tổn thương của phổi và hướng tới các mô phổi khỏe
mạnh.

Nhưng nếu các vấn đề lan rộng, như ở những người bị khí phế thũng, thì cơ
chế này có thể phản tác dụng. Đó là bởi vì có sự co động mạch phổi lan tỏa
và làm tăng trở kháng chung của mạch máu phổi, trở kháng tăng khiến thất
phải khó bơm máu hơn gần giống như đẩy nước qua một đường ống hẹp,
ngược lại với một đường ống rộng hơn.

Vì vậy, để bơm ra cùng một lượng máu vào động mạch phổi, thất phải cần
tạo ra áp lực tăng lên, và điều đó dẫn đến tăng áp phổi.

Một nguyên nhân khác của tăng áp phổi là tăng áp phổi mạn tính do huyết
khối huyết tắc, là khi có các cục máu đông tái phát trong các mạch máu phổi.
Các cục máu đông có thể hình thành do rối loạn đông máu nền và có thể tắc
mạch hoặc di chuyển đến phổi.
Các cục máu đông có thể làm tắc nghẽn mạch máu phổi, điều này làm tăng
sức cản với dòng máu và nó cũng có thể khiến các tế bào nội mô mạch máu
tiết histamine và serotonin, làm co thắt động mạch phổi. Sự tắc nghẽn cùng
với sự co hẹp của các mạch máu gây ra tăng huyết áp ở phổi.

Một loại của tăng áp phổi là tăng áp động mạch phổi, là khi áp lực trong động
mạch phổi tăng cao. Nhưng áp suất trong các mao mạch, trong tĩnh mạch
phổi vẫn bình thường. Một số dị tật tim bẩm sinh có thể gây tăng áp động
mạch phổi. Một shunt tim từ trái sang phải lâu dài gây ra bởi thông liên thất,
thông liên nhĩ hoặc ít phổ biến hơn, còn ống động mạch có thể dẫn đến tăng
áp động mạch phổi, cuối cùng là sự đảo ngược thành shunt từ phải sang
trái, được gọi là hội chứng Eisenmenger.

Tăng áp động mạch phổi cũng có thể gặp trong các rối loạn mô liên kết như
lupus, bệnh nhiễm như HIV, rối loạn tuyến giáp và đột biến gen di truyền.
Trong những tình huống này, quá trình bắt đầu với tổn thương các tế bào
nội mô lót động mạch phổi. Một khi điều đó xảy ra, các tế bào nội mô bị tổn
thương sẽ giải phóng các chất hóa học như endothelin-1, serotonin và
thromboxan.

Những chất hóa học này làm co thắt các tiểu động mạch phổi và gây phì đại
các cơ trơn bao quanh chúng. Các tế bào nội mô bị tổn thương cũng tạo ra
ít oxit nitric và prostacyclin hơn, những chất có tác dụng ngược lại. Chúng
làm giãn động mạch phổi và ức chế sự phì đại cơ trơn.
Bất kể do nguyên nhân là gì, một khi có tăng áp phổi, nó sẽ gây ra những
hệ quả quan trọng đối với phổi và tim. Dịch có thể bắt đầu thoát ra khỏi các
mạch máu trong phổi và có thể đi vào khoảng kẽ.

Sự hiện diện dịch thừa trong mô kẽ phổi được gọi là phù phổi, và nó có thể
làm cho quá trình trao đổi khí diễn ra khó khăn hơn.

Tăng áp phổi cũng làm cho tâm thất phải khó bơm máu hơn và theo thời
gian nó phì đại. Điều này thực sự giúp ích ngay từ đầu, nhưng cuối cùng các
cơ của tâm thất phải trở nên quá cồng kềnh đến mức nhu cầu oxy của chúng
vượt quá mức khả năng cung cấp và điều này có thể dẫn đến suy tim phải.
Khi bệnh phổi mãn tính gây ra suy tim phải, nó được gọi là bệnh tâm phế
(Core Pllmonale).

Suy tim phải khiến máu ứ ngược vào hệ thống tĩnh mạch, và điều này dẫn
đến áp lực tĩnh mạch cảnh tăng cao, tích tụ dịch trong gan, làm gan to và
tích tụ dịch ở chân, gây phù. Ngoài ra, suy tim phải có nghĩa là tâm thất trái
nhận được ít máu hơn và để bù trừ cho điều đó, nó phải bơm mạnh hơn và
nhanh hơn.

Tăng áp phổi có thể dẫn đến khó thở nghiêm trọng. Khi tăng áp phổi do suy
tim trái, cũng có thể có khó thở khi nằm, tức là khi khó thở nặng hơn khi nằm
đầu bằng. Điều đó xảy ra bởi vì nằm đầu bằng sẽ kéo nhiều máu hơn từ các
tĩnh mạch về tim. Lượng máu tăng thêm chỉ làm tăng áp suất thủy tĩnh trong
các mao mạch phổi.
Chẩn đoán tăng áp phổi thường được thực hiện bằng siêu âm tim cho thấy
các bằng chứng của tăng áp lực động mạch phổi ở tâm thất phải. Các cận
lâm sàng tiếp theo có thể được thực hiện để xác định nguyên nhân nền. Ví
dụ, đo hô hấp ký có thể được thực hiện để tìm bệnh phổi mãn tính.

Điều trị tăng áp phổi thường bao gồm cung cấp oxy bổ sung. Các phương
pháp điều trị khác phụ thuộc vào nguyên nhân nền. Nếu nguyên nhân về
bản chất là do tim, các loại thuốc nhằm mục đích tăng cường hoạt động của
tim hoặc giảm huyết áp có thể hữu ích. Ở những người bị tăng áp động
mạch phổi, có thể dùng các loại thuốc như chất đối kháng thụ thể endothelin
và prostacyclin.

Được rồi, tóm tắt nhanh, trong tăng áp phổi, áp suất động mạch phổi trung
bình lớn hơn 25 mmHg. Điều này có thể là do bệnh tim trái, bệnh phổi mãn
tính hoặc tình trạng chuyên biệt gây ra tăng áp động mạch phổi. Bất kể
nguyên nhân là gì, nó có thể dẫn đến suy tim phải, gây ra các triệu chứng
thực thể như áp lực tĩnh mạch cảnh tăng cao, gan to và phù chân.

You might also like